A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM, NGOÀI GIỜ LÊN LỚP TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC NGỌC SƠN - HIỆP HOÀ - BẮC GIANG

TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM, NGOÀI GIỜ LÊN LỚP TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC NGỌC SƠN - HIỆP HOÀ - BẮC GIANG

Thực hiện công văn số 909/SGDĐT-GDTH, ngày 14/8/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang về việc hướng dẫn thực hiện nội dung về hoạt động trải nghiệm (HĐTN) cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018), từ năm học 2020-2021.

Thực hiện Công văn số 378/PGDĐT ngày 17/8/2020 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Hiệp Hòa về việc hướng dẫn thực hiện Hoạt động trải nghiệm (HĐTN) cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018).

 Ngay từ đầu năm học, nhà trường, các tổ chuyên môn đã phối hợp cùng Đoàn, Đội, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt dưới cờ… cho năm học 2022-2023. Thời gian năm học chưa đầy hai tháng nhưng các hoạt động trải nghiệm đã được diễn ra sôi động trong các tổ khối, các tiết sinh hoạt dưới cờ đã đi vào nền nếp, có ý nghĩa thiết thực ngay từ những tuần đầu của năm học. Thông qua những hoạt động đó, giúp các em học sinh tổng hợp các giác quan, để có thể tăng khả năng lưu giữ những điều đã tiếp cận được lâu hơn. Đồng thời, giúp các em có khả năng sáng tạo, năng động, phát triển năng lực cá nhân, năng lực hợp tác và tăng cường sự tự tin.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giữ vai trò rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, trường Tiểu học Ngọc Sơn luôn chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, tính sáng tạo trong học tập và sinh hoạt hằng ngày. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một trong những hoạt động ý nghĩa và là sân chơi bổ ích cho các em. Qua đó, giúp các em hình thành, phát triển phẩm chất, nhân cách, các năng lực, tâm lí xã hội, giúp các em tích luỹ kinh nghiệm và phát huy sáng tạo để áp dụng vào thực tế cuộc sống hằng ngày.

Để giúp học sinh hiểu rõ hơn về các di tích lịch sử địa phương, quê hương các em đang sinh sống và học tập, ngay từ tuần học thứ ba, Liên đội nhà trường đã phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm khối lớp 2, tổ chức cho các em học sinh tham quan toàn bộ khuôn viên ngôi chùa Vĩnh Linh Tự tại thôn Sơn Giao, toạ lạc ngay sát cổng trường, làm lễ dâng hương và tìm hiểu về quá trình xây dựng ngôi chùa, thời gian được đón nhận di tích lịch sử …

Các em học sinh khối lớp 2 tìm hiểu di tích lịch sử tại địa phương

Điểm đến buổi trải nghiệm tiếp theo của các em học sinh khối lớp 5, được diễn ra vào chiều ngày 29/9/2022, đó là hoạt động trải nghiệm làm bánh cuốn. Đây là hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về một nghề truyền thống ở địa phương. Đã giúp các em được khám phá bản thân và thế giới xung quanh, đồng thời bồi dưỡng cho các em học sinh tình yêu đối với quê hương đất nước, ý thức về nguồn cội và bản sắc dân tộc, góp phần gìn giữ, phát triển các giá trị tốt đẹp làng nghề truyền thống. Qua buổi trải nghiệm thực tế, giúp các em chăm chỉ lao động và biết quý trọng sức lao động, thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương.

Các em học sinh khối lớp 5 trải nghiệm làm bánh cuốn

          Buổi trải nghiệm tiếp theo vào tuần học thứ 5, dành cho các em học sinh khối lớp 3, về cách chăm sóc và cách thu hoạch bưởi diễn. Đây là là một chủ đề mà rất nhiều các em yêu thích vì nó gần gũi với các em hàng ngày. Em yêu lao động là một trong những chủ đề mà thầy cô hàng ngày vẫn luôn hướng tới, hướng dẫn các em như: trồng rau và cách chăm sóc rau tại vườn trường, chăm sóc cây xanh ở công trình măng non, ngoài hành lang lớp học, vườn nhà …

Các em học sinh khối lớp 3 tìm hiểu về cách chăm sóc bưởi diễn và chăm sóc rau tại vườn trường

          Tiếp theo, chuỗi hoạt động trải nghiệm theo mô hình tổ khối, đồng thời hướng tới tổ chức các hoạt động chào mừng 92 năm, ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10. Ngày 18/10/2022, Liên đội nhà trường, đã phối hợp với giáo viên và học sinh khối 4, tổ chức buổi trải nghiệm làm bánh đa tại nhà bác Nguyễn Thị Nhung, thôn Sơn Giao xã Ngọc Sơn, một gia đình đã lưu giữ được nghề truyền thống qua nhiều thế hệ và có nguồn thu nhập khá ổn định, có uy tín cao, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương. Tại đây, các em được bác Nhung giới thiệu về quy trình làm bánh đa, bắt đầu từ khâu chọn gạo, ngâm gạo, xay gạo, tráng bánh, phơi bánh, quạt bánh,…Các em rất tích cực, hăng say tham gia thực hành làm sản phẩm. Giúp các em có cái nhìn cận cảnh hơn về cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Từ đó, các em biết quý trọng giá trị sức lao động, biết trân trọng những gì mà gia đình, nhà trường đã và đang mang lại cho mình. Những hoạt động sôi nổi trong một ngày trải nghiệm cũng đồng thời góp phần giúp các bạn nhỏ rèn luyện sức khỏe, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó và đặc biệt là có thêm vốn kiến thức thực tế cho bản thân. Buổi trải nghiệm đã giúp các em cảm nhận được cuộc sống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó của người dân quê hương. Từ đó, các em biết quý trọng hơn những sản phẩm làng nghề được làm nên từ những bàn tay gầy guộc của người bà, người mẹ, cảm nhận được những tấm lòng chân chất, hiền hậu và đầy dung dị của những con người lao động hiền lành.

          Đây cũng là một hoạt động giáo dục cho học sinh lòng yêu quê hương, yêu lao động, kính trọng nhân dân qua nhiều thế hệ, niềm tự hào về làng nghề thủ công truyền thống, nuôi dưỡng ý thức “giữ lửa” làng nghề truyền thống, biết trân trọng và gìn giữ những di sản văn hóa của quê hương, niềm tự hào, thái độ đúng đắn đối với nghề truyền thống. Bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh.     

Các em học sinh khối lớp 4 trải nghiệm làm bánh đa

Song song với những hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử địa phương, làng nghề truyền thống,…Hoạt động sinh hoạt dưới cờ được diễn ra vào thứ 2 hàng tuần, với nhiều nội dung, nhiều chủ đề đa dạng, phong phú, thiết thực đã thu hút được học sinh toàn trường tham gia rất tích cực. Các tiết sinh hoạt dưới cờ, hoàn toàn do các em tự tổ chức, tự điều hành, các em rất tự giác và trách nhiệm với công việc của mình. Bên cạnh đó, những giờ sinh hoạt lớp cũng không kém phần sôi động, được diễn ra vào cuối mỗi tuần học, cũng được các lớp tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tế của lớp, thu hút các em tham gia rất tích cực và mang lại rất nhiều lợi ích sau một tuần học.

Học sinh tổ chức tiết SHDC về chủ đề Rèn kĩ năng sống

Hoạt động trải nghiệm là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Đó là một bộ phận của quá trình giáo dục, có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Trải nghiệm không chỉ giúp học sinh có hứng thú hơn mà còn là cơ hội để các em rèn luyện, tích lũy thêm kỹ năng sống, đồng thời phát triển năng lực, phẩm chất nhân cách và đặc biệt là phát huy tiềm năng sáng tạo của học sinh. Nhằm hình thành thói quen tự phục vụ, kỹ năng học tập, kỹ năng ứng phó các tình huống có thể xảy ra ở trường, ở nhà và ngoài cuộc sống. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo như một bộ môn tích hợp, rất cần thiết trong chương trình giáo dục học sinh trong thời đại mới. Mỗi một hoạt động không chỉ đơn thuần mang tính giải trí mà trở thành những bài học thực tế từ cuộc sống. Trải nghiệm sáng tạo là chiếc cầu nối giữa nhà trường, kiến thức các môn học và thực tiễn cuộc sống một cách có tổ chức, góp phần thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực, tạo cơ hội cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo, biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, nuôi dưỡng và phát triển đời sống, tình cảm, ý chí, tạo động lực hoạt động tích cực hóa bản thân, đồng thời quan tâm, chia sẻ tới những người xung quanh.       

Chính vì thế, để thực hiện tốt kế hoạch chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học, ngay từ những tuần đầu của năm học 2022-2023, trường Tiểu học Ngọc Sơn đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm cho cả năm học rất cụ thể, rõ ràng. Các chuỗi hoạt động trải nghiệm được xây dựng phù hợp với chủ đề từng tháng với rất nhiều hoạt động giáo dục theo hướng tăng cường sự trải nghiệm với quy mô và hình thức khác nhau, mềm dẻo, mở về không gian, thời gian, đối tượng…giúp các em phát triển một cách toàn diện hơn.

Có thể khẳng định hoạt động trải nghiệm chính là cơ hội để các em thể hiện năng lực sáng tạo của mình, giúp các em biết trân trọng giá trị cuộc sống. Trải nghiệm là một yêu cầu quan trọng của dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Thực hiện tốt HĐTN cũng chính là thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo góp phần thực hiện tốt mục tiêu: “Phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học...” của người học.  

 Vì vậy, tìm ra những cách làm, hướng đi sáng tạo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn từ giáo dục trải nghiệm là đòi hỏi tất yếu của các cơ sở giáo dục. Mỗi một cán bộ, giáo viên của trường Tiểu học Ngọc Sơn sẽ luôn là người tiên phong, tạo ra những hoạt động trải nghiệm thú vị, các sân chơi bổ ích với hình thức mới mẻ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, xây dựng một trường học hạnh phúc với nhiều niềm vui và thiết thực./.

                                                                                                                                                                                                                        Tác giả: Hà Khánh Huyền - TPTĐ

 


Tác giả: Trường Tiểu học Ngọc Sơn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết